Stress là phản ứng tự nhiên của cơ thể để chống lại áp lực, căng thẳng trong cuộc sống. Nếu để bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nặng nề đến cảm xúc, thể chất và hành vi. Theo thống kê gần đây của Bộ Y tế Việt Nam, có 15% dân số mắc các rối loạn liên quan đến stress như hoảng sợ, ám ảnh, lo âu,… và đang chật vật đối phó. Vậy stress là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và biến chứng thường gặp như thế nào?

Stress là gì?

Stress là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối phó với thách thức, mối đe dọa trong cuộc sống dẫn đến thay đổi về cảm xúc và hành vi.

Stress ảnh hưởng tới cuộc sống như thế nào?

Stress khiến người bệnh gặp khó khăn khi đối phó với những rắc rối hàng ngày, ảnh hưởng đến các mối quan hệ và gây bất lợi cho sức khỏe. Bệnh tạo ra cảm giác lo lắng hoặc thất vọng có thể dẫn đến kiệt sức, rối loạn lo âu và trầm cảm. [1]

Nếu bị stress cấp tính, chẳng hạn vướng vào một cuộc tranh cãi có thể gây ra các cơn đau tim, rối loạn nhịp tim. Stress mạn tính, làm hệ thống thần kinh tự hoạt động quá mức, có khả năng gây hại cho cơ thể.

Stress khiến người bệnh dễ cáu gắt, buồn bã suy nghĩ tiêu cực

Dấu hiệu stress phổ biến

Các dấu hiệu stress phổ biến như [2]: 

  • Đau đầu.
  • Chóng mặt.
  • Mệt mỏi.
  • Khó ngủ.
  • Khó tập trung.
  • Cáu gắt hoặc tức giận.
  • Hay quên.
  • Suy nghĩ tiêu cực.
  • Lo lắng hoặc kích động.
  • Lòng bàn tay thường xuyên ra mồ hôi.
  • Ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
  • Nhịp tim tăng nhanh.

Nguyên nhân stress

Stress xuất phát từ các nguyên nhân sau:

1. Trong công việc

Thay đổi nơi làm việc, bị đuổi việc, chưa tìm được việc làm, thời gian hoàn thành công việc gấp gáp, khác biệt về văn hóa ở môi trường mới gây tâm trạng lo lắng, hoang mang và dẫn đến tress. 

2. Trong cuộc sống

Các điều kiện môi trường như thời tiết thay đổi thất thường, không khí ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông, môi trường sống không lành mạnh,… khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, không thoải mái.

Ngoài ra, các mốc thời gian tạo nhiều cảm xúc trong đời có thể gây ra phản ứng căng thẳng, chẳng hạn cưới hỏi, ly thân, ly hôn, sinh con, người thân qua đời. 

3. Do bản thân

Các thay đổi về cơ thể do bệnh tật, dậy thì, tiền mãn kinh, tuổi cao có thể gây căng thẳng. Đôi khi, stress không do yếu tố bên ngoài tác động mà do chính bản thân tự tạo áp lực, căng thẳng. Người có tính cầu toàn bẩm sinh hoặc môi trường sống khắc nghiệt, bị so sánh với nhiều người sẽ stress. 

Ngoài ra, tâm lý không ổn định khiến bản thân nhìn nhận một vấn đề nào đó ở khía cạnh tiêu cực, rồi tự gồng mình cẩn thận trong mọi vấn đề, mất niềm tin cuộc sống sẽ sinh ra tâm lý chán nản, mệt mỏi.

Các loại stress phổ biến hiện nay

 Có 3 loại stress thường gặp như [3]:

  • Stress cấp tính: Là căng thẳng thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, xảy ra bất ngờ và nhanh biến mất.
  • Stress cấp tính kéo dài: Các triệu chứng giống với stress cấp tính, xảy ra thường xuyên và biến mất sau vài ngày.
  • Stress mạn tính: Các triệu chứng lặp lại nhiều tháng, nhiều năm và khó điều trị dứt điểm, chẳng hạn như căng thẳng của trong hôn nhân, công việc nặng nhọc; vừa trải qua đau thương và chấn thương tâm lý lúc nhỏ.

Biến chứng do stress kéo dài

1. Trầm cảm và lo âu

Căng thẳng thần kinh kéo dài, không được giải tỏa khiến não tổn thương và gây ra các triệu chứng nguy hiểm của trầm cảm. Người bị stress thường xuyên hay nhạy cảm, lo lắng điều vô căn cứ, tự tạo cảm giác sợ hãi mọi thứ xung quanh dẫn đến rối loạn lo âu.

2. Tư duy và trí nhớ

Khi stress nặng, não thiếu oxy làm cơ thể luôn mệt mỏi, uể oải, suy giảm trí nhớ,… Nếu cơ thể chịu căng thẳng quá mức, có thể mất trí nhớ và co rút não trước 50 tuổi, cơ thể mất dần hệ miễn dịch, rơi vào trầm cảm.

3. Hệ thống thần kinh trung ương và nội tiết (CNS)

Hệ thống thần kinh trung ương (CNS) chịu trách nhiệm hành vi “chiến đấu hay bỏ chạy” của cơ thể. Trong não, vùng dưới đồi ra lệnh cho tuyến thượng thận giải phóng các hormone gây căng thẳng như adrenaline và cortisol. Các hormone này, làm tăng nhịp tim và đưa máu đến những khu vực cần trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như cơ, tim và các cơ quan khác.

Khi cảm giác sợ hãi qua đi, vùng dưới đồi sẽ ra lệnh cho tất cả các hệ thống hoạt động trở lại bình thường. Nếu hệ thần kinh trung ương không thể trở lại bình thường hoặc tác nhân gây căng thẳng không biến mất, phản ứng sẽ tiếp tục. Căng thẳng mạn tính là yếu tố gây ra các hành vi như ăn quá nhiều, lạm dụng chất kích thích và xa lánh mọi người.

Stress kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh trung ương và nội tiết gây ra hành vi chán ăn hoặc ăn nhiều

4. Bệnh tim và tăng huyết áp

Hormone căng thẳng tác động xấu đến hệ thống hô hấp và tim mạch. Trong phản ứng căng thẳng, sẽ thở nhanh hơn để phân phối máu giàu oxy đến cơ thể. Nếu có vấn đề về hô hấp chẳng hạn hen suyễn, căng thẳng khiến khó thở hơn.

Các hormone gây căng thẳng khiến các mạch máu của co lại và chuyển nhiều oxy hơn đến các cơ thể nhằm cung cấp thêm năng lượng để hành động nhưng làm tim đập nhanh và tăng huyết áp.

Stress xảy ra thường xuyên hoặc mạn tính khiến tim phải làm việc quá sức trong thời gian dài, huyết áp tăng lên và có nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim.

5. Tiêu hóa

Sự tăng vọt của hormone căng thẳng, có thể làm rối loạn hệ thống tiêu hóa. Cơ thể có khả năng ợ chua hoặc trào ngược do tăng axit trong dạ dày. Ngoài ra, stress sẽ ảnh hưởng đến cách thức ăn di chuyển trong cơ thể, dẫn đến tiêu chảy hoặc táo bón. 

Khi stress, gan sản xuất thêm đường trong máu (glucose) để tăng cường năng lượng cho cơ thể. Nếu stress mạn tính, cơ thể không theo kịp lượng glucose tăng thêm làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2.

6. Hệ cơ

Cơ bắp căng lên để bảo vệ khỏi chấn thương khi stress, giãn khi tâm lý trở lại trạng thái bình thường nhưng thường xuyên bị căng thẳng, cơ bắp căng cứng lâu ngày gây đau lưng, vai và nhức mỏi người. 

7. Sinh sản

Nếu stress tiếp diễn trong thời gian dài, nồng độ testosterone ở nam giới có thể giảm xuống, làm cản trở quá trình sản xuất tinh trùng và gây rối loạn cương dương hoặc liệt dương. 

Với phụ nữ, stress dẫn đến kinh nguyệt không đều, nặng hoặc đau hơn. Ngoài ra, stress mãn tính sẽ làm tăng các triệu chứng thời kỳ mãn kinh.

8. Hệ miễn dịch

Theo thời gian, hormone căng thẳng làm suy yếu hệ thống miễn dịch và giảm phản ứng của cơ thể với tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Người bị stress, mạn tính dễ mắc các bệnh do virus như cúm và cảm lạnh thông thường. 

Chẩn đoán stress thế nào?

Để chẩn đoán tình trạng stress bác sĩ sử dụng bảng câu hỏi để hiểu nguyên nhân, thời gian xuất hiện căng thẳng của người bệnh và mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào.

Nếu người bệnh bị stress mạn tính, bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng do căng thẳng gây ra, chẳng hạn huyết áp cao, nhịp tim rối loạn để chẩn đoán và điều trị.

Điều trị và quản lý stress 

Các phương pháp điều trị và quản lý stress gồm có:

1. Tâm lý trị liệu

Một số hình thức trị liệu hữu ích trong việc giải quyết các triệu chứng stress như: 

  • Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Giúp người bệnh thay đổi lối suy nghĩ tiêu cực.
  • Giảm căng thẳng dựa vào chánh niệm (MBSR): Sử dụng thiền định và chánh niệm để giúp giảm mức độ căng thẳng.

2. Thuốc

Thuốc kê toa giúp giảm các triệu chứng stress đưa tâm lý trở về trạng thái ổn định. Các loại thuốc này phổ biến như thuốc ngủ, thuốc kháng axit, thuốc chống trầm cảm và thuốc chống lo âu.

3. Thuốc bổ sung

Một số phương pháp bổ sung có tác dụng giảm căng thẳng bao gồm châm cứu, trị liệu bằng dầu thơm, xoa bóp, yoga và thiền định .

4. Đối phó với căng thẳng

Stress khó tránh khỏi nhưng có thể kiểm soát được, các phương sau đây sẽ hữu ích: 

  • Nhận biết các dấu hiệu: Khi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, mất sức lực, mất hứng thú,.. cho thấy cần tìm cách xử lý căng thẳng.
  • Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất có tác động tích cực đến não bộ và cơ thể, giúp giảm căng thẳng và cải thiện nhiều triệu chứng của stress. 
  • Thực hành chánh niệm: Hãy dành 10 phút mỗi ngày để suy nghĩ về những gì trong cuộc sống, sự kiện trải qua trong 1 ngày theo hướng tích cực, giúp tinh thần thần thoải mái và tránh căng thẳng. 
Tập Yoga, ngồi thiền là phương hữu hiệu giúp điều hòa suy nghĩ, đưa tâm lý trở về trạng tháng bình thường giúp giảm stress

Xem thêm: 18 cách xả stress hiệu quả, giúp giảm bớt triệu chứng nhanh chóng

Làm thế nào để phòng ngừa stress?

Cách phòng ngừa stress như sau: 

  • Loại bỏ một số yếu tố: Giảm cường độ, tần suất và rút ngắn thời gian căng thẳng. 
  • Điều chỉnh phản ứng cơ thể: Hãy thử tập thở sâu, chậm, sẽ giúp nhịp tim và huyết áp trở lại bình thường.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh: Cần ăn đủ chất, đúng bữa, tập thể dục, ngủ đúng giấc và không sử dụng quá mức chất kích thích sẽ cải thiện lưu thông máu và cơ bắp được thư giãn.
  • Nghe nhạc: Âm nhạc giúp huyết áp ổn định, hô hấp tốt hơn, tăng cường trao đổi chất trong cơ thể, làm giảm căng thẳng và tăng tiết chất endorphine (một chất Morphine do cơ thể sản sinh nhằm giảm đau và căng thẳng) và chất S-IgA (Globulin miễn dịch A ở nước miếng) giúp mau lành bệnh.
  • Đời sống tinh thần phong phú: Duy trì và thiết lập các mối quan hệ, tham gia hoạt động cộng đồng, câu lạc bộ, hội nhóm để đời sống tinh thần nhiều niềm vui, thoải mái, tích cực.
  • Vận động: Khi căng thẳng hãy dọn dẹp nhà, tưới cây, nấu ăn hoăc làm một việc yêu thích, sẽ giúp giải phóng hợp chất Adrenaline và hormone gây căng thẳng Cortisol. Góp phần, gia tăng lượng hormone hứng phấn và hạnh phúc Dopamine và Serotonin. 
  • Dinh dưỡng: Bổ sung vào thực đơn hằng ngày các thực phẩm hỗ trợ giảm căng thẳng như: cá hồi, đậu bắp, bột yến mạch, sô cô la đen, khoai tây, kiwi, rau mâm xôi, trà xanh, hạt hướng dương, cam. 

Các câu hỏi liên quan đến stress

1. Stress có nguy hiểm không?

Stress nếu để lâu dài, không điều trị không chỉ ảnh hướng đến đời sống tình thần mà nguy cơ gây ra nhiều bệnh khác như cao huyết áp, tim mạch, béo phì, rối loạn ăn uống, khả năng sinh sản,… 

2. Stress có chữa được không?

Stress chữa bằng nhiều phương pháp như dùng thuốc, tâm lý trị liệu và các phương pháp bổ sung khác. 

3. Stress có phải là trầm cảm không?

Nếu stress kéo dài, quá mức không được giải tỏa hay điều trị có thể dẫn đến trầm cảm. 

4. Khám stress ở đâu? Bệnh viện nào?

Khoa Khám bệnh BVĐK Tâm Anh TP.HCM quy tụ đội ngũ bác sĩ, chuyên gia đầu ngành có trình độ chuyên môn cao, đảm bảo công tác khám, chẩn đoán, điều trị và tư vấn chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người stress, trầm cảm, rối loạn lo âu,… 

Những điểm khác biệt khi khám bệnh tại BVĐK Tâm Anh: 

  • Đặt lịch hẹn khám qua hotline, website.
  • Chi phí hợp lý.
  • Chọn bác sĩ khám.
  • Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
  • Đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại. 
  • Nhân viên chăm sóc khách hàng, điều dưỡng hướng dẫn tận tình. 

Stress là bệnh khá phổ biến hiện nay, nếu bản thân và người nhà nhận biết được các dấu hiệu thay đổi cảm xúc, tinh thần, sức khỏe, hành vi và điều trị sớm sẽ nhanh chóng khỏi. Hy vọng, qua bài viết trên mỗi người sẽ dễ nhận biết stress là gì, bản thân có các dấu hiệu của stress và kịp thời đến bệnh viện để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp và kết hợp xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để cân bằng được cảm xúc.